Danh mục
THIẾT KẾ CẢI TẠO
KHÁI NIỆM VỀ CẢI TẠO VÀ THIẾT KẾ CẢI TẠO
Một công trình qua thời gian sử dụng lâu dài, dưới tác động của con người và các yếu tố tự nhiên như thời tiết, thiên tai,… sẽ xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng tới quá trình sinh hoạt, sử dụng công trình hay có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của người sử dụng.
Hoặc ngay cả khi công trình vẫn còn sử dụng tốt nhưng do nhu cầu sử dụng tăng lên, cần thêm không gian dẫn đến nhu cầu cơi nới, mở rộng.
Tất cả những yếu tố này đều dẫn đến nhu cầu cải tạo. Do đó, cải tạo là công tác nâng cấp, thay đổi, sửa chữa, điều chỉnh mở rộng cơ cấu diện tích,…nhưng phải dựa trên hiện trạng sẵn có của công trình và giảm thiểu tác động lên hiện trạng một cách tối thiểu tùy vào từng công trình và nhu cầu cụ thể.
Cải tạo không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn bao gồm các yếu tố về kỹ thuật như chiếu sáng, cấp thoát nước, đặc biệt là kết cấu có sẵn của công trình. Do đó việc cải tạo rất cần sự đầu tư nghiên cứu Thiết kế cải tạo, vừa đảm bảo tính an toàn cho các yếu tố về kỹ thuật, vừa tạo được sự thống nhất, liền lạc giữa các không gian thay đổi, mở rộng với toàn thể công trình.
Thiết kế cải tạo là một quá trình bao gồm việc khảo sát, đánh giá hiện trạng công trình, đặc biệt là đánh giá mức độ an toàn của các yếu tố kỹ thuật như điện, kết cấu. Từ đó, nghiên cứu các phương án về kiến trúc, nội thất theo nhu cầu của gia chủ, cùng với đó là những giải pháp nâng cấp, thay mới lớp vỏ bao che, sửa chữa hệ thống kỹ thuật hay gia cố kết cấu sao cho vừa đáp ứng tính thẩm mỹ, vừa đảm bảo sự an toàn trong quá trình sử dụng.
VAI TRÒ CỦA THIẾT KẾ CẢI TẠO
Tiết kiệm chi phí cải tạo
Tương tự quá trình Thiết kế kiến trúc và Thiết kế nội thất, Thiết kế cải tạo giúp gia chủ có được cái nhìn tổng quát về công trình cần cải tạo trước khi thi công thông qua bộ hồ sơ Thiết kế cải tạo (gồm hình ảnh 3D, các bản vẽ kiến trúc hiện trạng và kiến trúc cải tạo để so sánh thay đổi,kết cấu, chiếu sáng, cấp thoát nước, bản vẽ nội thất và vật liệu,…). Từ đó có thể dự toán sát nhất chi phí cải tạo, điều chỉnh đưa ra phương án tối ưu nhất, giảm thiểu tình trạng phát sinh hay sửa chữa thay đổi trong quá trình thi công, nhờ vậy có thể tiết kiệm chi phí cải tạo cũng như tránh việc kéo dài thời gian thi công.
Đảm bảo an toàn công trình
Trong thiết kế cải tạo, hệ thống kỹ thuật của công trình như kết cấu, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước,… đã có sẵn nên việc thiết kế cải tạo sẽ gặp phải những bất lợi và hạn chế nhất định so với việc thiết kế kiến trúc hay nội thất.
Quá trình thiết kế cải tạo cần phải có sự khảo sát kỹ lưỡng về hiện trạng như kết cấu, hệ thống kỹ thuật điện nước,… và phương án cải tạo đưa ra cần hạn chế tối đa việc tác động lên hệ thống kỹ thuật, cũng như cần đưa ra biện pháp gia cố kết cấu khi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và quan trọng hơn là quá trình sử dụng lâu dài về sau.
Tối ưu không gian
Đối với những công trình không thể cơi nới để tăng diện tích sử dụng khi nhu cầu tăng lên thì việc đầu tư thiết kế cải tạo càng trở nên cần thiết. Thiết kế cải tạo sẽ giúp bố trí, sắp xếp các không gian trở nên khoa học, thuận tiện, linh hoạt hơn, từ đó tăng sự thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên cho công trình, nâng cao chất lượng và tiện nghi sử dụng.
Tính thẩm mỹ
Bên cạnh đó việc đầu tư nghiên cứu cho Thiết kế cải tạo còn mang tới sự thống nhất, liền lạc về phong cách nội thất, phong cách kiến trúc cho toàn bộ các không gian chức năng của công trình, đặc biệt đối với những công trình cơi nới mở rộng với một phần xây dựng mới và một phần là hiện trạng thì sự đồng bộ thống nhất này lại càng trở nên cần thiết.